Hồi bữa hai chị em nói chuyện, em tôi bất lực và thảng thốt nói với tôi:
– Chết rồi hai ơi, thư bị lây bệnh sạch sẽ của mẹ rồi. Nếu thư chưa tắm thì thư sẽ nằm dưới đất chứ không dám lên giường.
Lời nói của em nhẹ như gió bay, nhưng tôi nghe mà thấy đau xót. Thực ra thâm tâm tôi nở một nụ cười ác quỷ “cuối cùng cưng cũng hiểu cảm giác của chị”, bởi vì tôi phát hiện ra mình bị lây bệnh này từ 3 năm trước rồi. Kể từ năm tôi 18 tuổi và chuyển ra ở riêng…
Tôi không biết vì sao cứ về nhà thấy mặt mẹ tôi là tôi tự động trở thành một con người vô tri ở bẩn bừa bộn. Chắc là bệnh chung của nhiều đứa con. Huhu bị ỷ lại vào mẹ đó mà. Nhưng ra khỏi nhà, lên ở chỗ riêng là tôi lập tức trở thành một mẹ tôi thứ hai.
Xưa nay mẹ tôi nổi tiếng khắp xóm với giai thoại cái bếp xài 10 năm hàng xóm qua tưởng bếp mới, cái bàn ủi xài 15 năm chưa hư, bếp và nhà vệ sinh luôn sạch ngang giường ngủ. Nếu bếp và nhà vệ sinh mà chưa sạch thì mẹ tôi sẽ bỏ ngủ và cả nhà cũng mất ngủ luôn.
Bây giờ tôi cũng y chang vậy, bếp và nhà vệ sinh mà còn dơ là đêm đó tôi nằm trằn trọc mất ngủ. Khi còn sống chung với các bạn, tôi luôn xung phong chà nhà vệ sinh, dĩ nhiên là không ai giành với tôi. Tôi cũng luôn lấy làm hạnh phúc với nhiệm vụ đó vì nếu là người khác làm thì tôi không yên tâm.
Sống với người mẹ cuồng sạch sẽ ngăn nắp như vậy có một tác hại duy nhất và rất nhiều lợi ích. Tác hại là ráng bị nghe chửi bị nghe chê, bị làm người ở bẩn trong mắt mẹ (trên thế giới này chưa thấy mẹ ưng độ sạch của ai ngoài chính bản thân mình).
Lợi ích thu về là sự gọn gàng ngăn nắp ăn vào máu, cứ thế mọi thứ tự nhiên như hơi thở do đã được thấy mẹ làm suốt nhiều năm trời. Đến lúc nhận ra thì sự gọn gàng và tư duy hệ thống trước sau đã trở thành một dạng phản xạ. Có nhiều người muốn gọn nhưng hông gọn được do chưa từng hoặc rất ít khi được quan sát tận mắt, vì vậy họ mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu và học cách để gọn.
Từ “bệnh” gia đình này của nhà mình chiêm nghiệm ra, mình thực sự rất tâm đắc với câu nói đại loại là “con bạn sẽ trở thành người giống bạn, chứ không phải là những gì mà bạn cố gắng dạy nó”.
(Chuyên gia mở bài bằng giọng văn tôi này tôi kia cà khịa cà ơ rồi kết bài xưng mình hồi nào không hay)