Mình biết đến biệt điện Trần Lệ Xuân (nay được biết đến với tên gọi Trung tâm lưu trữ quốc gia IV) khi tìm đề tài để viết bài cuối kì cho môn Báo in năm 2020.
Đây là một trong những hidden gem mà mình ấn tượng nhất tại Đà Lạt. Khi đến biệt điện, mình khuyến khích mọi người liên hệ với nhân viên hướng dẫn để được nghe thuyết minh cụ thể về các giai đoạn lịch sử và được giới thiệu chi tiết về cách tham quan.
Biệt điện từng là nơi diễn ra các cuộc vui xa xỉ của giới thượng lưu thời kỳ Việt Nam Đệ nhất Cộng hoà. Không phải ngẫu nhiên mà biệt điện còn được gọi là cung điện mùa hè. Vì mỗi khi hè đến, bà Trần Lệ Xuân – vợ cố vấn Ngô Đình Nhu, chủ nhân của biệt điện này lại đến Đà Lạt tránh nóng và mời các sĩ quan cao cấp đến chung vui.
Toàn bộ khuôn viên biệt điện rộng trên 13 ngàn mét vuông với đầy đủ phòng họp, hồ bơi, vườn hoa, phòng khiêu vũ, hầm trú ẩn,… gồm ba biệt thự lớn được nữ gia chủ đặt tên là Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc. Cả ba căn biệt thự này mang những mục đích sử dụng khác nhau, do đó được xây dựng theo những lối kiến trúc khác nhau.
Năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đồng trùng tu biệt điện Trần Lệ Xuân làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, nơi bảo quản, lưu giữ gần 35.000 mộc bản triều Nguyễn – những văn bản chữ Hán-Nôm được khắc ngược trên gỗ để in sách thủ công tại Việt Nam. Những mộc bản này do chính tay ông Ngô Đình Nhu – Cố vấn Chính trị cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và cũng là chồng bà Trần Lệ Xuân sưu tầm.
Từ sau khi hồ bơi được dùng làm bối cảnh trong MV “Vùng ký ức” của nhóm nhạc Chillies, giới trẻ biết đến biệt điện nhiều hơn và đến đây check-in cùng hồ bơi nhiều hơn. Thế nhưng không nhiều người biết đến câu chuyện lịch sử thú vị của biệt điện này.
Từ Bạch Ngọc men theo lối đi bên tay phải, ta dễ dàng đến biệt thự Lam Ngọc gồm Lam Ngọc I và Lam Ngọc II được xây nối thông với nhau. Biệt thự được trang bị hầm trú ẩn và đường hầm thoát hiểm riêng. Khi ấy, bên trong Lam Ngọc còn có một phòng khiêu vũ lớn với vách tường làm bằng kính để bà Trần Lệ Xuân có thể vừa nhảy múa, vừa thưởng hoa vườn Nhật Bản bên ngoài.
Do chiến tranh và sự bào mòn của thời gian, biệt điện trải qua nhiều đợt trùng tu. Những tấm kính bị vỡ ở phòng khiêu vũ ngày xưa giờ được thay bằng tường gạch. Phòng trang điểm trở thành nơi trưng bày tranh ảnh về nữ chủ nhân cũ.
Biệt thự Hồng Ngọc hay còn được gọi là biệt thự Trần Văn Chương được Trần Lệ Xuân xây dựng dành tặng cho cha của mình là ông Trần Văn Chương.
Có một sự thật ít ai biết, trước khi về Việt Nam làm cố vấn cho anh trai, ông Ngô Đình Nhu từng học Văn chương và lưu trữ ở Pháp những năm 1930. Ông cũng là Giám đốc đầu tiên của Nha Lưu trữ và Thư viện Quốc gia thuộc Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không khó để lý giải vì sao ông lại là người sưu tầm và gìn giữ những tấm mộc bản Triều Nguyễn cực kỳ quý giá.
Người ta nói tham vọng của một người thường được thể hiện trong nơi ở quả không sai. Vườn hoa Nhật Bản được thiết kế bởi một kiến trúc sư người Nhật và trồng toàn các loại cây hoa Nhật, nhưng qua thời gian các loại cây hoa này không còn và được Trung tâm lưu trữ thay bằng hoa Đà Lạt.
Đặc biệt, giữa vườn có một hồ nước hình chữ S tượng trưng cho lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên các địa danh phía Bắc lại nằm ở phía Nam, như chùa Một Cột được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này nhằm thể hiện tham vọng biến miền Nam thành thủ đô Việt Nam của nữ chủ nhân đam mê chính trị và quyền lực này.
Đường lên trung tâm lưu trữ
Biệt thự Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các sĩ quan cao cấp thời Đệ Nhất Cộng hòa nên được xây dựng, bài trí vô cùng xa hoa, hướng thẳng về đường Yết Kiêu, và có một hồ bơi nước nóng để chủ nhân dễ dàng thư giãn trong không khí se lạnh tại Đà Lạt. Ngày nay chiếc hồ này được rút hết nước và để trống do không có người sử dụng.
– Thời gian mở cửa: buổi sáng (7h30 – 11h30), buổi chiều (13h30 – 16h30), kể cả những ngày Lễ Tết.
– Giá vé vào cổng: 20.000 VNĐ / người.
– Địa chỉ: Số 2, đường Yết Kiêu, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Lên Đà Lạt đi quài đi quài vẫn chưa đi hết các di tích. Lần tới mình sẽ càn quét nốt những di tích mà đợt trước chưa kịp đi.