Đợt vừa rồi đi tham gia tập huấn về năng lượng bền vững (SE4Y), mình có dịp đến với núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang để được mắt thấy tai nghe những câu chuyện sử dụng năng lượng tái tạo tại ấp xanh Vồ Bà, xã An Hảo. Gọi là ấp xanh vì 100% hộ dân ở đây lắp điện mặt trời.
Bình thường mất điện nửa ngày mình đã ná thở, công việc và tất cả thao tác sinh hoạt bình thường đều trở nên khổ sở khó khăn. Bất kì người thành thị nào cũng có thể tưởng tượng ra sự bất tiện này. Vậy mà cho đến tận năm 2021, ấp Vồ Bà vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Trong suốt thời gian trước đó, người dân dùng điện bằng bình ắc quy cho đến khi các giải pháp ứng dụng năng lượng mặt trời cho hộ gia đình được triển khai. Con đường lên xuống núi dốc quanh co, thẳng đứng, đi sạc bình ắc quy cũng gian nan trần ai.
Mình đến hộ cô Ánh tham quan các mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời và tâm đắc nhất với chiếc lồng sấy – trợ thủ đắc lực của cô trong việc sấy đũa.
Trước khi có lồng sấy, cô Ánh xử lý đũa bằng cách thủ công, phơi ở nơi có nhiều nắng. Vào những ngày trời mưa, đũa dễ bị mốc và cô phải để ý kĩ thời tiết để mang đũa vào nhà trước khi mưa xuống. Cô chia sẻ rằng sau khi có lồng sấy công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, cô chỉ cần cho đũa vào lồng và để ở đó bất kể mưa nắng, không cần xoay trở đũa cho đều các mặt. Ngoài ra lồng sấy cũng giúp thành phẩm có màu vàng đẹp.
Lồng sấy có cấu tạo gồm các loại bao ni lông hoặc polyester bao bên ngoài, khung được làm bằng gỗ, tre hoặc sắt, phần khay kệ bên trong do hộ dân tự thiết kế đặt vào, tận dụng các vật liệu có sẵn ở mỗi hộ, và 2 chiếc quạt mini thông khí giúp điều hoà không khí bên trong lồng sấy.
Nguyên lý hoạt động của chiếc lồng này dựa trên nguyên lý hiệu ứng nhà kính, sử dụng nhiệt từ năng lượng mặt trời. Tia nắng mặt trời đi xuyên qua những tấm ni lông khiến cho nhiệt độ bên trong tăng cao hơn môi trường bên ngoài (thường cao hơn từ 5-10 độ C). Khi nhiệt độ tăng khiến hơi nước bốc lên, cần mở tấm che hoặc tạo khe cho thông thoáng để hơi nước bay ra bên ngoài nhằm giảm thời gian sấy và tăng hiệu quả cho sản phẩm sấy. Nếu nhiệt độ cao mà lồng sấy không có khe hở để hơi nước bay đi thì thời gian phơi sẽ kéo dài.
Với giá thành khoảng 4-8 triệu đồng/tủ sấy tuỳ theo công suất sấy và kích thước, mỗi hộ đã có thể lắp đặt riêng cho gia đình mình một trợ thủ đắc lực trong việc sấy khô. Trường hợp của cô Ánh do được hỗ trợ thử nghiệm mô hình nên không mất chi phí ban đầu. Lồng sấy công suất 300W này được lắp tại nhà cô từ năm 2020, cho đến nay chưa từng xảy ra hỏng hóc.
Nhìn chung mô hình này khá đơn giản và dễ sử dụng, không yêu cầu bất cứ thao tác kĩ thuật phức tạp nào. Khi được hỏi về khó khăn khi sử dụng, cô cười lớn “Có gì đâu mà khó khăn, dễ lắm con ơi, trời ơi cháu cô 5 tuổi cũng xài được luôn!”.
Chiếc lồng mang lại một số lợi ích như: thuận tiện sử dụng, giúp tận dụng năng lượng mặt trời tại khu vực miền núi, tạo ra sản phẩm sạch hạn chế vi khuẩn nấm mốc, và tăng hiệu quả sấy so với các biện pháp thủ công.
Sự xuất hiện của điện đã mang đến cuộc sống hoàn toàn mới cho bà con ở vùng núi sát biên giới Việt – Cam. Rời khỏi nhà cô Ánh, mình mang theo chiếc cười và những lời chia sẻ hào sảng, chân thành của cô. An Giang không chỉ níu chân mình bởi những giải pháp sử dụng năng lượng bền vững, mà còn bởi sự ấm áp nhiệt tình của cô Ánh và người dân trong ấp xanh Vồ Bà.
Người miền Tây chưa bao giờ khiến mình ngừng gào thét trong lòng vì sự thân thiện mến khách chân chất của họ. Đáng yêu quá nên phải hét lênnn. Hét trong lòng thôi chứ hét lớn thì… cũng zui, mấy chú mấy bác cười quá trời cười trong lúc vượt những con dốc thẳng đứng chở mình lên núi Cấm.