Skip to main content

Hôm nọ nói chuyện với bà ngoại (đã 70 tuổi, không tiếp xúc nhiều với công nghệ trừ xem TV), bà hỏi:

– Cái này mình tự mua à cháu?

– Dạ không mình đặt rồi người ta ship tới á bà.

Mình chợt khựng lại sau câu nói đó và sửa lại thành “Có nghĩa là mình đặt trên mạng rồi người ta giao đến tận nhà cho mình đó bà”.

Khi nãy vừa gọi hỏi thăm bà nội (đã gần 80 tuổi, cả cuộc đời chỉ ở quê), bà hỏi:

– Cháu đi học ở đâu?

– Dạ cháu học ở Sài Gòn, quận 1 á bà.

Bả hỏi:

– Thế nó cách nhà bao nhiêu cây số vậy cháu?

Lúc này mình giật mình, khựng lại và sửa thành “Dạ cháu học cách nhà 20 cây số, không quá xa nên cuối mỗi tuần cháu về nhà 1 lần”.

Bà ngoại mình không hiểu “ship” là gì, thời của bà chắc hẳn chưa có những từ như vậy. Bà nội mình cũng chưa từng có cơ hội khắc ghi nơi có tên gọi là “Quận 1” vào trong trí nhớ, bà chỉ có thể biết nó cách nhà mình xa hay gần thông qua đơn vị cây số thôi.

Mình còn trẻ thế này, khi bước vào một nơi xa lạ mà mình chẳng có chút ý niệm hay kiến thức gì về nó, như kiểu bước vào một diễn đàn Công nghệ chẳng hạn, thì mình đã đủ thấy choáng ngợp, khó thở, lạc lõng và run như cầy sấy rồi. Vậy những người cao tuổi, nếu không có sự kiên nhẫn và tinh ý từ con cháu, họ sẽ lạc lõng biết bao giữa cuộc đời đầy sự cải tiến và đổi thay này?

Có những từ người trẻ bọn mình đã dùng đến mức thành từ cửa miệng như: ship, Grab, call video, gửi mess,… Thế nhưng với người cao tuổi không có nhiều cơ hội cập nhật tình hình, chắc có nằm mơ họ cũng khó lòng tưởng tượng ra một ngày lũ con cháu xung quanh toàn dùng ngôn ngữ mà họ không thể cắt nghĩa nổi.

Gần đây mình có nhận lớp dạy kèm Anh văn giao tiếp cho một cô đã gần 50 tuổi. Nói là Anh văn nhưng thực ra là hướng dẫn cô cả những thao tác tin học văn phòng cơ bản rồi là cách sử dụng điện thoại. Ngày xưa cô kinh doanh giỏi tới mức bây giờ chỉ cần đợi thêm 3 năm nữa con trai vào đại học thì cả gia đình sẽ qua Mỹ sống luôn, nhà ở Sài Gòn không biết có bao nhiêu căn để nói. Ấy vậy mà bây giờ cô luôn tự nhận “Cô già lọng cọng quá rồi, thao tác chậm chạp không lại tụi con”.

Thế nhưng điều khiến mình quý cô và kiên nhẫn với cô là vì cô rất thích học. Cô học bất cứ những gì có thể dù nhiều khi bận đến mức quên ăn. Cô cẩn thận ghi chép và luôn yêu cầu mình để cô tự thao tác cho thuộc lòng các bước. Cô luôn nói đi nói lại “Con dạy cô là cô ham lắm. Cô mê học lắm luôn. Học được thêm gì mới là cô thích quá trời thích”.

Những câu chuyện lủng củng, tủn mủn phía trên đã gợi cho mình nhiều sự đối chiếu và suy ngẫm về tuổi già, về sự học, về cách đối nhân xử thế, về lòng kiên nhẫn, về tính kiên trì.

Leave a Reply

The Castle
Unit 345
2500 Castle Dr
Manhattan, NY

T: +216 (0)40 3629 4753
E: [email protected]