Mình hay nói chuyện với chú bảo vệ giữ xe ở dưới chân chung cư. Tối nay vẫn là một tối như thường lệ, chỉ là mình hơi mệt nên chào chú bằng cái giọng nhừa nhựa nhõng nhẽo “coong chào chấuuuuuu”. Chú đáp lại mình “chào coong gáiii”.
Huhuhu tan chảy cả trái tim. Hong biết bao lâu rồi kể từ lần cuối mình được gọi là con gái với tông giọng trìu mến ấm áp như vậy.
Lúc mới chuyển qua đây, chú chủ nhà dặn mình “con mà có đi đâu về muộn thì cứ gửi mấy người ở bãi xe ít tiền cà phê. Con mà có đi làm tạm trú thì cứ gửi chú công an ít tiền chú làm hết cho”. Tư tưởng dùng tiền làm chất bôi trơn quả thực diễn ra thường xuyên đến nỗi bây giờ đôi khi bôi ít là trơn không nổi, phải bôi nhiều mới trơn nổi.
Hôm nay trong lớp bình luận, thầy Phúc cho bọn mình nghĩ thử về việc lập ra hệ Chất lượng cao có gây ra bất công trong giáo dục hay không, phân ghế máy bay thành hạng phổ thông và hạng thương gia mà trong đó hạng thương gia không cần xếp hàng chờ đợi đến lượt check-in thì có tạo ra bất công trong xã hội hay không,… Cuối cùng, thầy đi đến kết luận, trên cuộc đời này có những thứ là vô giá, một khi đã dùng tiền bôi trơn cho nó thì nó sẽ mất giá khó mà vớt lại nổi.
Trước đây mình có từng đọc qua bài của một anh chia sẻ như thế này, trong lúc người thân của anh đang nguy cấp thì xe cứu thương cứ đi tàng tàng mặc dù có thể đi nhanh hơn. Khi ấy anh có hai sự lựa chọn, hoặc là đưa tiền để tài xế đi nhanh hơn, hoặc là cắn răng và cầu nguyện là mọi chuyện không quá muộn. Anh chọn vế sau, lý do là khi mình dùng tiền để bôi trơn công việc của tài xế thì sau này những người khó khăn hơn gặp nạn mà không có tiền thì không biết họ sẽ ra sao. Nếu sự việc vẫn cứ tiếp diễn như thế lâu dần sẽ tạo thành thói quen làm tiền cho tài xế. Thực sự đó là một quyết định khó khăn cho bất kì ai trong hoàn cảnh như anh, hoàn cảnh mà khi việc tài xế cố gắng hết sức vì bệnh nhân vốn là lẽ thường nay đã không còn là lẽ thường.
Ở thời kì kinh tế thị trường mọi vật đều được định giá như thế này, càng cần những người đủ tỉnh táo để duy trì những giá trị nhân bản của xã hội. Nếu không có người đủ tỉnh và đủ dũng cảm để bứt ra khỏi vòng lặp vô tận của thói quen dùng tiền bôi trơn hệ thống, mình sợ lâu dần hệ thống không cần đến mưa gió bên ngoài tác động cũng sẽ tự động hoen gỉ, dễ đứng chựng. Lúc đó những người không có tiền, họ sẽ làm sao với cuộc sống này? Và biết đâu trong những người không có tiền ấy lại có người thân của mình?
Quay về câu chuyện của mình, nếu mình sớm đưa tiền cho chú bảo vệ từ những ngày đầu, chắc chú ấy sẽ chẳng bao giờ thấy mình ngồi khóc trên xe vì mệt sau khi bị chú hạch sách cách đỗ xe, chắc mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được chú ấy gọi là con gái và chú ý để xe của mình ở nơi dễ lấy hơn. Đôi khi ta dùng tiền để mài đi những cảm xúc không thoải mái, nhưng chính những lúc không thoải mái lại là lúc cảm xúc giữa người với người có cơ hội được đào xới, và từ đó đơm hoa.
Về việc đi làm tạm trú, cả 4 đứa trong nhà mình chọn ra phường ngồi chờ và tự tay làm từng khâu mà không nhờ đến chức năng bôi trơn của tiền. Bọn mình đã bực mình vì phải chờ rất lâu. Bọn mình đã phải đốc thúc nhau rất nhiều để có thể hoàn thành cho xong thủ tục. Bọn mình cũng chưa có cơ hội để thay đổi cái nhìn về cách làm việc của cán bộ. Tuy nhiên mình tin nếu mỗi người đều cố gắng, nhìn vào bức tranh rộng hơn, chắc chắn đồng tiền đã được dùng đúng chỗ hơn một chút, ai đó đã bớt thói chờ tiền đi một chút, nhiều người đã quý nhau hơn một chút.
Mình tin là vậy!