Skip to main content

Nhìn con vẹt này mình thấy an lắm, em An như chính cái tên vậy đó. Trong những ngày ở nhà Gấu, một trong những điều khiến mình cảm thấy ấm áp chính là quan sát thấy cách em An được nuôi dưỡng.

Gấu là bạn cùng đoàn đi Hà Nội với mình, tụi mình về nhà Gấu thì có cả bố Đức Quân, mẹ Hồng và em An chào đón. Ngay giây phút mười mấy chiếc xe gắn máy lần lượt đậu vào sân nhà, bố mẹ đã chạy ra ôm ấp, tươi cười như thể chúng mình thực sự là những người con ở xa về thăm nhà. Dù tụi mình chỉ là bạn Gấu, chưa đến đây bao giờ. Mẹ Hồng gọi tụi mình là con, xưng mẹ. Yêu không tả xiết.

Lần thứ hai quay lại nhà Gấu một mình, mình có dịp quan sát kĩ hơn cách mẹ yêu em An. Em An hay tưởng tượng mình là công chúa, có khi giả làm con ma đi xung quanh hù mọi người. Mỗi lần như thế em đều sung sướng hét to lên “MẸ ƠIIIII! Con là công chúa nàyyyyy”, “CHỊ ƠIIIIII! Xem em làm con ma này chịiiii”. Dù mẹ đang làm dở công việc cũng đều trả lời “ừ con xinh lắmmmmm”, “eo ơi mẹ sợ quá”. Đáp xong, mẹ quay qua nhìn mình rồi nói thêm “đáng yêu nhờ”.

Mẹ yêu em An như thế đó.

Sau khi đi qua nhiều quan điểm giáo dục khác nhau, cho đến hiện tại mình dừng lại ở quan điểm thuận theo tự nhiên. Tức, ba mẹ đóng vai trò là người Hiện Diện quan sát con, ba mẹ và con là hai cá thể tách biệt. Chỉ thế thôi.

Hiện Diện nghĩa là không can thiệp vào quá trình khám phá, tìm tòi, phát triển của con. Không có dạy bảo, không có đúng sai, không có ham muốn riêng đặt lên vai nhau, tôn trọng nhau như họ vốn là. Miễn không làm ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và người khác, không vi phạm pháp luật, thế là được. Đạo đức thật khó nói, rất nhiều khi nó mâu thuẫn với tự do, nên mình không dùng nó làm giới hạn.

Thuận theo tự nhiên à? Ví dụ khi con phá huỷ một món đồ, như thế là sai đúng không? Sai vì trước giờ bạn vốn cho rằng việc một cái gì đó bị “phá đi” tức là điều không nên? Nhưng tại sao lại phải giới hạn cách nhìn nhận vấn đề của một cá thể khác bởi những trải nghiệm riêng của bản thân? Mình thấy đó là một dạng “áp đặt” vi tế, dù đôi khi bản thân không có chủ đích như vậy. Thế thì hãy để chính con tự nhìn nhận xem việc ấy là đúng hay sai, hoặc chẳng đúng chẳng sai gì cả.

Cách một đứa trẻ được nuôi nấng sẽ ảnh hưởng vô cùng nhiều đến việc sau này đứa trẻ ấy trở thành người như thế nào. Một đứa trẻ chỉ có thể là chính nó và phát triển lành mạnh khi nó được chấp nhận và yêu thương.

Suốt tấm bé, mình được giáo dục theo kiểu không được phép phạm sai lầm. Không được cười đùa to, không được làm bẩn quần áo, không được làm rơi thức ăn, không được quên đồ, không được để người khác phàn nàn,… Về sau, mình thành người rất khắt khe với lỗi sai của bản thân và của người khác.

Dù bây giờ đã nhận thức và gỡ bỏ nhiều chương trình lập trình cũ, tuy nhiên đâu đó mình vẫn dễ cảm thấy bực dọc khi thấy người khác lóng ngóng vụng về, dễ bực khi lấy xe ra khỏi bãi mà bị vướng tới vướng lui.

Quay lại em An và cách mẹ Hồng nuôi dưỡng em, đấy là cách mà mình mong muốn có thể áp dụng sau này.

Để thực sự yêu một người cần rất nhiều sự dũng cảm. Giáo dục bằng tình yêu cũng vậy. Dũng cảm để chấp nhận. Dũng cảm để con bay trong thế giới riêng và có thể đôi khi con sẽ quên mình. Dũng cảm nhìn con bị thương và lần sau con sẽ tự có cách để không bị thương nữa. Dũng cảm để con được khám phá và cảm nhận cuộc đời theo cách riêng mà không sợ những điều ấy đi ngược lại với hệ giá trị của mình.

Nhìn cách em An vui với những điều bé nhỏ xung quanh em ấy điiiii, hạnh phúc và tình yêu ngập ngàn trong không khí luôn đó. Love is in the air.

Cảm ơn mẹ Hồng. Cảm ơn em An. Cảm ơn bố Đức Quân. Cảm ơn Gấu. Và cảm ơn rất nhiều người dễ thương ở Thanh Oai.

Leave a Reply

The Castle
Unit 345
2500 Castle Dr
Manhattan, NY

T: +216 (0)40 3629 4753
E: [email protected]