Ngôn ngữ là chìa khóa giúp ta hiểu nhau và chính nó cũng là giới hạn lớn nhất ngăn ta hiểu nhau.
Mình rất khó tính với bản thân trong việc lựa chọn ngôn ngữ và cách thức để giao tiếp. Khó tính ở đây nghĩa là mình thường xuyên tự soi bản thân, review lại những đoạn hội thoại diễn ra trong ngày để tìm xem liệu có cách nào khác giúp mình giao tiếp và đối thoại tốt hơn cho những lần sau hay không. Đoạn hội thoại nào thấy “cấn cấn” là sau đó mình sẽ dành thời gian để nhìn lại liền.
Dưới đây là một vài điều mà mình moi ra được đằng sau cách bản thân dùng từ “Chắc là…”. Mình đã thực hành cách giao tiếp mới được một thời gian dài và bây giờ “Chắc là…” không còn là bức bình phong cho bất kì nỗi sợ nào nữa.
1.
– Hôm nay mình học sáng hay chiều vậy?
– Chắc là chiều á.
Khi trả lời như vậy tức là mình không chắc chắn về thông tin mà mình sắp nói ra. Thế nên để lời nói của mình hiệu quả và có giá trị thông tin hơn, mình buộc tự đi kiểm tra xem thông tin mình sắp nói đã đúng chưa. Sau đó thay vì “Chắc là…” mình sẽ trả lời trực tiếp vào thông tin mà đối phương cần “Chiều á m ơi/T không chắc nữa vì t chưa thấy thông báo của giáo viên”.
2.
– Chị thấy chỗ này chưa ổn, em thấy sao?
– Chắc là để em xem lại.
Khi nhận được feedback không tốt về sản phẩm mình làm, “chắc là…” không đóng góp được gì cho việc giải quyết vấn đề ngoài chuyện nó tạo thêm không gian để mình có thể giấu nỗi sợ vào trong đó.
Sợ sản phẩm không ổn thật, sợ cái tôi bị tấn công, sợ muôn ngàn thứ,… Mình đã nhiều lần bắt gặp thấy bản thân sợ như vậy và cách mình làm là mời bạn nỗi sợ bước ra ánh sáng. Thay vì “Chắc là để em xem lại”, hơn 1 năm nay mình đã chuyển thành “Dạ em sẽ xem lại và báo cho chị biết trước 3 giờ chiều nay nhé”.
3.
– M thấy mẫu xanh hay mẫu đỏ phù hợp hơn cho bài thuyết trình của nhóm mình?
– Chắc là mẫu xanh.
Khi buộc phải nêu một quan điểm, ý kiến cụ thể của bản thân, mẫu câu “chắc là” tiếp tục tạo không gian an toàn để khổ chủ de xe nếu lỡ bị hố hoặc bị phản bác ý kiến.
Mỗi khi quan sát thấy điều này ở bản thân, mình tự đặt ra các câu hỏi như mình có thực sự tin rằng mẫu xanh là sự lựa chọn tối ưu không, vì sao mình tin như vậy, vì sao mình chọn mẫu xanh. Khi đã tự có câu trả lời rốt ráo cho bản thân, thay vì “Chắc là mẫu xanh”, mình sẽ đi vào câu trả lời chắc chắn “Mình nghĩ là mẫu xanh”. Sau đó nếu đối phương tiếp tục đào sâu về lý do hoặc có ý phản biện, mình hoàn toàn có cơ sở để hồi đáp và không sợ hãi mông lung rằng đối phương đang tấn công mình.
Trường hợp nếu không có câu trả lời chắc chắn, mình vẫn nói “Chắc là mẫu xanh”. Nhưng sự khác biệt ở đây là mình đã thực sự hiểu rõ ý nghĩ của bản thân trước khi nói, mình không hồi đáp lập tức theo phản xạ (và có phần hời hợt) nữa. Vì vậy mình tự tin khi đưa ra câu trả lời, không phập phồng bất an, cách nói cũng chắc chắn và gãy gọn hơn.
Ngoài để che giấu nỗi bất an vi tế, thầm kín, thì cách phản hồi lấp lửng nước đôi cũng là do não mình đã vô thức được lập trình một lối tư duy nhanh không cần suy nghĩ nhiều cho những trường hợp như thế, bạn có thể đọc thêm cuốn Tư duy nhanh chậm để tìm hiểu thêm về cơ chế này. Thành ra việc chậm lại để đọc vị những nỗi lo, những chương trình cài sẵn đằng sau từ “Chắc là…”, đã giúp mình giao tiếp hiệu quả hơn, không nói những câu dư thừa không đóng góp được gì.
Thường xuyên review cách nói chuyện và sử dụng ngôn ngữ cũng là cách mình giữ thói quen quan sát, đào sâu vào hành vi, tư duy và niềm tin của bản thân.
Kim anh 21 tuổi.
Đã lười viết status dài được một thời gian, lý do là gì thì nhìn ảnh đi. Bài vở công việc dí ná thở chạy bỏ dép thân tàn ma dại. Ngồi khóc bên bờ sông nhưng không có ông bụt nào mọc lên chỉ có mụn mọc lên.