Tự dưng đủ tuổi và đủ trách nhiệm để đi họp phụ huynh cho đứa khác, cụ thể là em gái mình. Đi về xong bị mắc nhiều suy ngẫm:
1.
Cô nói trước luôn với phụ huynh là những môn như đạo đức, thủ công sẽ cho các em về đọc sách ở nhà. Ở trên lớp phải chạy chương trình rất nặng nên không kịp thời gian cho những môn đó. Ngồi nghĩ lại, công nhận môn đạo đức chẳng đọng lại tí gì trong mình vì khi trước mình cũng không được học. Những lễ nghi, phép tắc (phép lịch sự tối thiểu,…) sau này toàn là đời dạy và thêm một ít từ gia đình dạy. Sách đạo đức hoàn toàn có dạy việc phải tử tế, phải biết trước biết sau, phải chan hoà, biết giữ chữ tín,… chỉ hơi tiếc nuối vì mình chưa tận dụng được sách để dạy cho tụi nhỏ chứ không trách ai. Mong các bé đều sẽ được gia đình hướng dẫn để bù vào.
2.
Ngoài bộ sách giáo khoa thì phải đóng khoảng 500.000 để mua thêm khoảng 5 6 đầu sách khác nữa, lý do là những sách này sẽ bám sát thực tế hơn. Đầu mình lúc ấy chỉ nghĩ về những cuốn sách bài tập mới toanh mà cả năm bọn nhỏ không hề đụng đến nhưng đã lỡ mua cùng SGK. Mấy cuốn đó cũng khó để quyên góp. Mà nếu có quyên góp thì cũng chỉ được bề nổi của tảng băng chìm. Mình tiếc sách, tiếc tiền, tiếc tài nguyên, tiếc công sức. Nếu giản lược được sự khệ nệ này, cả đất nước gộp lại sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu?
3.
Mẹ đưa 2.500.000 để đóng tiền nhưng với tâm thế là sẽ có dư một chút. Ai dè thêm tiền mua đồ thể dục nữa là thành 2.625.000 cho tổng tiền đóng đầu năm. Về báo mẹ thì thấy rõ sự bất lực của mẹ với số tiền này, mẹ đâm cáu bất giác “cảnh cáo” con em học cho nên thân. Mình may mắn vì lớn hơn, đi đủ nhiều, trải nghiệm đủ nhiều để nhận ra việc theo đuổi sự học, theo đuổi kiến thức, kết hợp với “tu thân” chính là con đường bền vững để sống giữa thế giới đang phát triển vùn vụt thế này. Còn với em mình và những đứa trẻ cũng có ba mẹ đang vật lộn với đồng tiền, làm sao để chúng nó hiểu học không chỉ là vì kiếm tiền đây?
Mình tiếp tục may mắn khi số tiền mẹ gửi hằng tháng vẫn đủ để mình yên tâm học, nếu không có số tiền này, liệu mình còn đủ tỉnh để thấy rằng tiền không phải là đích đến của việc học hay không?
4.
Lớp 4, lớp 10 là hai năm khó nhất trong 12 năm đi học của mình. Ở hai lớp này đều đánh dấu sự biến chuyển trong sự nghiệp cày giấy khen của mình hồi đó. Năm lớp 4 mình sơ sẩy xuống học sinh khá, bị áp lực tinh thần cả năm trời vì mẹ hù méc ba, mà ba biết thì mình đích thực bị xé xác làm đôi. Biết trước độ khó nhai nên mình có làm công tác tinh thần cho em mình rồi, năm nay mà học không chắc kiến thức là toi mạng cho những năm học sau. Mình chưa biết ẻm có làm được không, nếu ẻm lỡ mất gốc thiệt và con đường học hành của ẻm rẽ qua lối mới thì mình sẽ hành xử thế nào?
Rất nhớ có một lần hỏi ông Long Nhân:
– Em trai anh học sao rồi?
– Nó học vẫn vậy, lên lớp là được.
– Anh không dạy lại nó kho kiến thức Vật lý của anh hả?
– Cũng có nhưng anh thường dạy nó về mấy cái đạo đức và kèm cặp cách hành xử của nó hơn. Miễn nó tử tế, không tư duy lỗi là được. Nó đâu cần phải thành ông nọ bà kia.
Ừ, mình suy ngẫm cả buổi và nhớ mãi cho đến bây giờ. Không biết liệu mình có tỉnh được như ổng?