Ông chụp hình bẽn lẽn nói với tôi khi hai đứa nhấp nhổm xem từng bức ảnh phim đen trắng mà lab gửi về “anh chụp như thế này thì chỉ dám nhận lời đi chụp đám cưới người yêu cũ thôi chứ không dám đi chụp đám cưới em”.
Tôi là dân ngoại đạo nghiệp dư không rõ lắm về tiêu chí mà các ổng đeo đuổi, nhưng rõ ràng tôi thích sự mong manh, “dễ nhoè”, “dễ out nét” của ảnh phim. Khi ấy tôi có cảm giác mình đang ở trong một cảnh phim của Vương Gia Vệ, với tôi đôi khi nó cảm xúc hơn hẳn một tấm ảnh căng kít, hoàn hảo. Hơn nữa mỗi tấm ảnh đều được chăm chút kĩ trước khi bấm như thế khiến tôi học cách nhìn nhận thành phẩm một cách vị tha hơn. (Haha).
Nói về cách ăn mặc của cá nhân tôi, bảo tôi ăn mặc xét nét, kĩ càng thì rõ không phải. Trái lại, tôi ăn mặc tuỳ hứng và thường lén lút bước ra khỏi vòng an toàn, ra khỏi quy tắc “chuẩn” thông thường một chút, đủ để níu giữ sự tò mò của người khác ở lại lâu hơn. Nhưng nó không đồng nghĩa với tuỳ tiện.
Ví dụ như cái áo sơ mi trắng classic từ chất vải cho đến kiểu dáng trong bộ ảnh này, người nữ bằng tuổi tôi thường hay tránh đụng độ với nó vì nó dễ khiến người mặc bị cứng, bị dừ trước tuổi, bị nhàm chán. Tuy nhiên nếu khi mặc biết biến tấu để hở cổ một chút, hơi kéo xếch về đằng sau một chút, mặc với chân đầm hoa bằng voan mềm mịn có xẻ tà cao một chút, thêm thắt một chút cá tính và cảm nhận riêng vào thì cục diện sẽ thay đổi hoàn toàn. Để làm được điều này, cần trả lời rất rõ câu hỏi “Điều gì lột tả chính tôi tốt nhất?”. Từng điểm nêm nếm nhỏ nhỏ gộp lại sẽ tạo ra thứ ma lực đủ lớn để hút mắt người đối diện và định hình nên một phong thái riêng mà chỉ mình mới có. Đó là cách tôi làm trò với phong cách ăn mặc của mình.
Không nên thiên vị người biết ăn mặc: đồng ý. Nhưng không thể chối cãi sự tò mò lưu lại nơi đáy mắt của mọi người dành cho người có khả năng biến tấu cái đẹp. Ngang đến đây, tận dụng sự tò mò đó như thế nào tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi người.