“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Vội vàng – Xuân Diệu
Hôm nay người con gái 20 mới thấm thía được nỗi sợ thời gian trôi trong bài Vội vàng mà hồi cấp 3 chẳng thấy ngấm là bao. “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, “Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”. Đấy. Từng câu từng chữ lột tả chính xác những cơn hoảng loạn thời gian đổ về dồn dập dạo gần đây. Thì ra đã có tiền nhân đi trước mình trong những nỗi sợ như thế này.
Mình vốn là đứa ham sống sợ chết. Trước đây mình đã từng vận hết can đảm đi đến tận cùng của nỗi sợ chết xem nó có thể tệ đến thế nào mà mình lại sợ. Nhưng có vẻ chưa đi tận cùng lắm nên bạn sợ chết vẫn ở đấy để tiếp tục đồng hành cùng mình.
Quả là bạn ấy đã phát huy tác dụng trong khá nhiều trường hợp. Mỗi khi quan sát thấy bản thân đắn đo, run sợ trước khi dấn thân vào cơ hội mới, mình lại tự nhủ “Không sao, mình sợ nhất là sợ chết, nhưng thử cái này lỡ có kết quả tệ nhất đi chăng nữa thì cũng không chết được đâu mà lo. Còn thở là còn gỡ. Ok chiến thôi”. Đấy, thế là chính bạn sợ chết đã nhiều lần giúp mình chịu sống hơn, chịu khô máu hơn.
Tuần trước, trong buổi học cuối mang tên Memento Mori của khóa Buông thư do The DomDom Healing Garden tổ chức, mình lại có thêm cơ hội đối diện với cái Chết. Memento Mori có nghĩa là hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết. Đây không phải là lần đầu mình biết đến câu này, mình đã biết từ khoảng 2 năm trước nhưng không quá để tâm về nó. Thế nhưng dường như đó là sự chỉ dẫn để mình chuẩn bị sẵn nguyên liệu cho buổi học cuối ở Buông thư mà mình sắp kể sau đây.
Mình được đặt câu hỏi “Có những nỗi sợ nào xuất hiện xoay quanh cái chết?”. Sau khi làm việc với bản thân trên giấy, mình phát hiện được 2 nỗi sợ chính yếu: 1. sợ đau, 2. tiếc nuối những điều tốt đẹp hay ho mà mình chưa kịp làm và trải nghiệm. Mình cứ tưởng sẽ sợ gia đình và người thương yêu đau khổ, hóa ra mình hoàn toàn không có lo lắng nào cho người ở lại sau khi mình chết cả.
1. Sợ đau: trong suy nghĩ của mình, cái chết gắn liền với nỗi đau, và mình sợ phải trải qua những cơn đau thể lý trước khi đến với cái chết. Bình thường mình cũng nhát đau sẵn (nhưng bằng cách nào đó đã có 1 lỗ khuyên rốn và 6 lỗ khuyên tai).
2. Tiếc nuối những điều tốt đẹp hay ho mà mình chưa kịp làm, chưa kịp trải nghiệm: mình tiếc cuộc đời này, tiếc thân xác này, tiếc những dự định và những thứ hay ho ngoài kia mình chưa kịp chạm tới.
Trong lớp mình có nhiều chị nhiều cô ngầu lắm hahaa, các chị rất bình an khi nghĩ về cái chết, có chị còn sẵn sàng cho chuyến hành trình mới này rồi cơ. Vậy nên khi chia sẻ mình cũng hơi chột dạ tí xíu, vậy mà sau khi nghe mình nói xong, chị Thanh bật cười “Trời ơi Kim Anh ạ! Bây giờ em mà bảo em không sợ chết chị mới lo đấy. Em còn quá trẻ mà, đang trong độ tuổi quá đẹp đi. Còn cả chặng đường dài phía trước chờ em. Sự tiếc nuối và nỗi sợ này rất đẹp, rất đúng-tuổi, em cứ giữ đấy và quan sát nhé”.
Nghe xong mình nhẹ nhõm thở phào!!! Yêu cái sự sợ chết của mình thế chứ lị. Cứ để yên bạn ấy ở đấy thôi. Lâu lâu bạn ghé thăm thì mời bạn vô phá đảo quẩy vinahouse, xong xuôi bạn lại đi.
Thỉnh thoảng mình có lén lút thả trôi bản thân trong câu hỏi “Nên sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng được sống hay nên sống như thể mình còn một cuộc đời rất dài để sống?”. Nhưng mình biết mình đã làm tốt trong việc thay đổi luân phiên hai cách nghĩ và sau cùng cả hai đều giúp mình sống tốt hơn.
Hãy nhớ rằng người sẽ chết, memento mori.
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
Kim Anh 20 tuổi, có một nỗi ham sống sợ chết và thỉnh thoảng khủng hoảng vì thời gian trôi.