“Cốt nhục sinh ra sẵn có, tình thân bồi đắp mà nên”
“Bạn trách ai đó không hiểu mình, vậy bạn đã mở cửa mời họ bước vào cuộc sống của bạn chưa?”
Hai câu nói trên đã thay đổi thái độ và cách hành xử của mình với gia đình rất nhiều, rõ nhất là với em gái.
Mọi người xung quanh mình đều biết, bất cứ khi nào có thể mình đều tìm cơ hội mang theo em gái bên cạnh, từ các cuộc thi cho tới lớp học, từ những buổi biểu diễn lê lết cho tới những lần tán dóc bê tha với bạn bè. Mình cho em thấy mình trong những phiên bản khác nhau, mình khi ở nhà, mình khi đi với người A, mình khi bên cạnh nhóm B; có lúc mình lên thi hùng biện, nghiêm chỉnh đứng nói toàn những thứ em chưa biết, có lúc mình ngồi banh càng trên ghế cười hô hố, mồm chửi thề mượt hơn nhung; rồi cũng có khi mình trùm mền khóc sống chết vì thất tình.
Nhờ chủ động mời em vào thế giới của mình nên trong nhà em là người hiểu mình và dễ cảm thông với mình nhất. Bạn chỉ phán xét, xa cách và tách rời một người khi bạn chẳng hiểu gì về họ thôi. Khi bạn biết họ đã trải qua những gì, hiểu vì sao họ lại hành xử như vậy, chắc chắn việc yêu thương và chấp nhận họ sẽ dễ dàng hơn. Mẹ có thể trách mình vì đi liên hoan vô bổ lúc nửa đêm, nhưng em gái chắc chắn hiểu vì trước đó em ấy đã được thấy mình vui và quẩy sung như thế nào khi bên cạnh bạn bè. Tình yêu của em gái là quả ngọt lớn nhất của mình trong hành trình dài tạo lập sự kết nối với gia đình.
Cho em đi cùng mình như vậy cũng là một cách rất hay để em học làm-người. Em mở lòng trò chuyện được với người lạ và biết rằng có những người rất khác mình, khác đến nỗi không trò chuyện được nhưng em không phán xét họ. Em biết khi nào thì nên cho chị hai không gian riêng và rất sẵn lòng ở nhà một mình để chị hai được đi chơi với bạn. Tuy nhiên khi mình đi cạnh em mà không dành trọn sự chú ý cho em, mình sẽ bị nhắc nhở ngay “cất điện thoại đi hai, hai đi chơi với thư mà”.
Cho em đi để em sớm biết thế giới ngoài kia to như thế nào. Em đỡ bị bó buộc vào một vài con điểm cao thấp. Em quan tâm hơn đến việc luyện tiếng Anh để hè đi trại hè có thể trò chuyện với thầy giáo. Em biết học lịch sử thì có ích lợi gì. Em biết về những việc mà hai người yêu nhau có thể làm cùng nhau (bên cạnh việc cãi nhau và đập đồ đập chén như em vẫn thường thấy xung quanh =)). Em yêu chị hai nhưng biết rằng không (thể) lấy chị hai làm thế giới, chị hai còn phải sống cuộc đời của riêng bả.
Chơi với tụi trẻ con là cơ hội để tự quan sát chính mình. Đồng hành cùng em chính là cơ hội tuyệt vời để mình tự sửa thân mà không phải trả giá đắt như trả với đời.
“Chị hai ơi hồi trước chị hai học cấp 3 còn ở gần thư sao thư không chơi với hai nhiều hơn ta. Bây giờ hai đi học xa rồi thư chỉ ước hai nhỏ lại thôi”.