Skip to main content

*Chưa xin phép cô nhưng trong lòng tự muốn gọi cô là má, học xong môn của má Diệu được đâu đó một tháng rồi nay mới viết đôi ba dòng lưu giữ lại chút gì đó gọi là thời sinh viên khoa Báo máu lửa.

Giang hồ hay nói “nhà văn nói láo nhà báo nói phét/nói điêu/nói thêm”, “nhà báo nói láo ăn tiền”, “kiếp trước học ng* kiếp này đi viết báo”, mình nghe thì chỉ cười khẩy chứ không thấy bị đụng chạm, cũng không thấy lo lắng vì mình biết mấy câu nói đó không đời nào làm ảnh hưởng nổi tới những người thầy, người cô làm nghề chân chính mà mình biết.

Học báo ngót nghét sắp 4 năm, còn nốt chặng cuối là ra trường, thế mà tình đầu báo chí của mình chỉ vừa mới xuất hiện cách đây 3 4 tháng, tức là kì cuối ngồi trên giảng đường, trốn kĩ thiệt chớ. Mình xưa nay chỉ thích viết, có đời nào nghĩ đến ngày mình bén mảng làm phim, lại còn là phim tài liệu – dòng phim mình coi chưa tới 10 bộ. Vậy mà chuyện đó đã xảy ra, và mình lại còn yêu say đắm, mình nhận ra người làm mai mối quan trọng lắm, và bà mối siêu mát tay lần này là má Minh Diệu.

(Bằng một cách hy hữu nào đó mà mình chưa có tấm hình chung trực diện nào với má trong khi mấy bạn cùng lớp ai cũng có. Hên sao moi móc được tấm này má vô tình lọt vô khung hình hâhhaha, nhìn bí ẩn cũng hay hay. Thôi chắc khi nào cưới làm cô dâu òi mời má tới chụp chung cho ngầu).

Nói về má Minh Diệu, học trò Báo chí Nhân văn lứa nào mà không nghe tiếng, không học trực tiếp thì cũng được nghe truyền tai về độ máu lửa và nhiệt huyết của cô khi làm nghề lẫn khi đứng trên giảng đường. Mình biết má từ hồi năm nhất năm hai, nghe phong thanh qua lời kể của đứa bạn “mày phải đi học ké đi, cô giảng nghe phê lắm”. Ngày đầu tiên chính thức ngồi nghe má giảng, bà hoàng cúp học như mình đã bị khuất phục “thôi xong, môn này mình sẽ không nghỉ buổi nào, trời mưa cũng đi học, trời nắng cũng đi học, bị đuổi cũng đi học, gét gô!”. Mà hên quá không bị đuổi, má Diệu cưng học trò thứ hai thì không ai thứ nhất.

Má hay nói “cô có duyên với lớp”, duyên là trời cho, phận là người tạo, nên má đã bưng cả lớp đi Nam Cát Tiên quậy banh chành một trận ra trò để mình có thể tự tin khẳng định “số phận nằm trong tay ta”. Mình sẽ nhớ hoài buổi tối mình lẹt đẹt đi vào phòng nhổ tóc bạc cho má, 2 3 đứa học trò mắt tròn mắt dẹt nghe má kể những câu chuyện “hậu trường” nghề báo, ngây ngô hỏi “cô ơi làm sao biết một người thế nào sẽ thành chồng mình?”, má và cô Loan còn nghe một đứa ngồi lèm nhèm kể chuyện tình yêu tuổi đôi mươi nữa. Lúc đó mình còn suýt tưởng hai cô đều hai mươi giống tụi mình thật.

Má Diệu là tượng đài lớn trong lòng mình, là một người phụ nữ vô cùng thu hút và có khí chất. Má “quậy đục nước” ở làng báo, xông xáo, gan lỳ và bạo dạn không thua bất kì ai, thế nhưng ở trong má luôn có một kho cảm xúc vô tận, đủ để truyền lửa cho lứa này lứa kia, truyền hoài mà vẫn còn đầy chưa vơi đi chút nào. Nhớ đến má là mình nhớ tới hai từ cảm xúc đầu tiên. Không biết bằng cách nào mà má đã yêu Phim Tài Liệu dài lâu và bền bỉ như vậy.

(Mình và các bạn cùng lớp trong một chuyến đi thực địa môn phim Tài liệu ở Nam Cát Tiên).

Môn Phim Tài Liệu của tụi mình trọn vẹn là nhờ có má. Khi má đứng giảng bài, mình cảm nhận được má dốc hết ruột gan bỏ vào từng câu chữ. Lớp học của tụi mình giản dị, má khuyến khích tụi mình “biến lớp thành cái chợ”, mắt má long lanh khi tụi mình đứng lên phân tích phim và nói ra ý kiến, nhờ vậy mình thấy được lắng nghe trọn vẹn.

Buổi công chiếu phim đầu tay của cả lớp, đó là lần đầu tiên có một lớp học kéo dài tới 6 rưỡi tối mà không ai kêu ca nửa lời (trong khi bình thường học tới 5 giờ là xỉu hết rồi). Học trong lớp không đủ, cô trò kéo nhau ra hành lang ngồi la liệt nói tiếp, học tiếp. Má ngồi chính giữa, tụi mình vây tròn xung quanh, không ai nỡ tạm biệt ai. Tạm biệt bà mối mà bịn rịn y chang tạm biệt tình yêu. Vậy là không biết yêu tình đầu hay yêu bà mối nữa.

Báo chí là một bông hồng có gai, vừa cuốn hút nhưng cũng vừa nguy hiểm, có khi thắm đỏ, có khi đổ máu, không biết dòng đời đưa đẩy mình có làm nghề hay không. Nhưng ít nhất nhờ có những người thầy cao to vững vàng như cây bồ đề thế này, mình thấy tự tin hơn nếu sau này có làm nghề. Còn nếu không, mình cũng có thể mang tinh thần và những bài học ở khoa Báo áp dụng cho bất cứ công việc nào ở đời. Trong đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dám-chọn sống tử tế.

Còn đây là phim tàu liệu đầu tay của nhóm tụi mình dưới sự dẫn dắt của cô, phim còn vụng dại non nớt, nhưng tụi mình đã hoàn thành sau bao trận đổ mồ hôi sôi nước mắt, mời mọi người cùng xem: https://youtu.be/xWm_pJBfxF8

Leave a Reply

The Castle
Unit 345
2500 Castle Dr
Manhattan, NY

T: +216 (0)40 3629 4753
E: [email protected]