Skip to main content

Chương II: Kể cho tôi 3 điểm mạnh và 3 điểm yếu của bạn

Khi đi phỏng vấn học bổng hay phỏng vấn việc làm, bạn có gặp phải tình trạng kể điểm mạnh thì ngại mình đang khoe mẽ, còn kể điểm yếu thì sợ người ta cho mình trượt luôn?

Ngày xưa lúc còn học cấp 3, dù chưa có kĩ thuật hay kĩ năng gì sất, mình vẫn tiên đoán được người phỏng vấn hoạt động ngoại khoá sẽ hỏi mình câu này nên mình đã tập trả lời trước. Mình ứng tuyển vị trí phiên dịch và tiếp tân cho một sự kiện, mình vẫn còn nhớ mình bảo rằng thế mạnh của mình là nụ cười và điểm yếu của mình là quá nhạy cảm.

Đến bây giờ khi đã bắt đầu có những cuộc phỏng vấn formal hơn, cách mình tiếp cận cũng khác. Mình thấy việc đưa ra câu trả lời hoàn toàn dựa vào việc tự nhìn nhận điểm mạnh và điểm yếu của bản thân thì không khách quan lắm và câu trả lời thường dễ có xu hướng trở nên chung chung ai cũng giống ai, không bật ra được chân dung khác biệt của bản thân mình. Mình đã làm khảo sát, phỏng vấn những người từng làm việc cùng mình để lắng nghe feedback từ họ. Việc này có 2 lợi ích chính:
– Thu thập góc nhìn khách quan từ người khác về mình.
– Là dịp để cả hai bên hiểu hơn về nhau, cởi mở và học hỏi từ nhau.

Cách mình thực hiện:

1. Tìm 5 người đã từng làm việc cùng mình, trong đó mình chọn đa dạng mẫu, có người mình thấy rất hợp, có người mình thấy không hợp, có người mình chỉ làm cùng 1-2 lần, có người mình làm cùng trên dưới 10 lần,…

2. Nhắn tin: “Hãy cho mình xin 3 điểm mạnh và 3 điểm yếu của mình kèm giải thích dựa trên quan sát của bạn trong lúc mình làm việc cùng nhau nhé”.

3. Kẻ bảng excel phân tích các câu trả lời, gồm 4 cột chính: điểm mạnh, điểm yếu, phản biện, hành động.

Sau cùng, chỉ có mình mới là người hiểu mình nhất, hiểu lý do hành động, lý do đưa ra sự lựa chọn, những nhận xét của người khác về mình chỉ là tư liệu tham khảo. Ở cột phản biện, mình viết ra lý giải, suy nghĩ, trăn trở và phân tích của bản thân, chắt lọc xem cái nào là hợp lý cho hoàn cảnh và tiến trình phát triển của mình. Ở cột hành động, mình viết ra những gì mình có thể làm để cải thiện và phát huy. Ví dụ như ảnh bên dưới.

Khảo sát này đã được thực hiện từ tháng 8 năm 2022, thông tin trong bảng chỉ là ví dụ minh hoạ, không còn phản ánh mình hiện tại.

Trong suốt quá trình chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi “3 điểm mạnh 3 điểm yếu”, mình đã có hội gỡ rối tơ lòng với ít nhất 2 bạn, trao đổi về những hiểu lầm trong quá trình làm việc cùng nhau, và học được rất nhiều bài học đi kèm.

  1. Nghe người khác nhận xét về mình thì sợ thật đấy, nhưng có cách để đối diện. Cột phản biện mà bạn thấy không phải là phiên bản đầu tiên, đó phiên bản được mình viết lại khi đã bình tâm và không có cảm xúc. Ở lần đầu, mình đã viết ra mọi cảm xúc mình nhận thấy khi đọc feedback, có oan ức, có hãnh diện, có tim đập chân run, có tức giận,… Việc viết ra trung thực những cảm xúc trồi lên đã giúp mình sống trọn vẹn với nó, thừa nhận nó, nhờ vậy nhẹ nhàng bình tâm đi qua “cơn bão lòng” mà không bộp chộp thanh minh thanh nga, tranh cãi hay biện hộ.
  2. Hãy xác nhận lại định nghĩa và suy nghĩ của người khác. Có bạn nhận xét mình “thiếu tôn trọng bạn cùng nhóm”. Lúc đọc câu này mình sốc lắm, mình còn tự hỏi rằng “bạn ấy đang viết về mình ư?”. Sau khi cảm xúc qua đi, mình nhắn lại rằng “Mình đã bất ngờ khi đọc nhận xét này. Trong góc nhìn của bạn, tôn trọng là như thế nào?”. Nhờ vậy mình mới biết rằng bạn ấy không có ý nói mình thiếu tôn trọng người khác, chỉ là có một tình huống mà mình đã cư xử chưa khéo. Nếu không hỏi lại mà im lặng tự xác nhận “ok đối với bạn ấy mình là đứa thiếu tôn trọng bạn cùng nhóm” thì mối quan hệ của mình và bạn sẽ xong đời luôn. Đôi khi người khác cũng không quá rõ họ nói gì đâu, và mình cũng thế, hãy xác nhận lại.
  3. Hãy thực sự xem đây là cơ hội để hoàn thiện bản thân chứ không chỉ đơn giản là tìm câu trả lời cho một câu hỏi phỏng vấn. Nhờ có nhận xét khách quan từ người khác mà mình cũng xác định được thế mạnh và điểm yếu chủ đạo của mình, từ đó lên kế hoạch học tập và phát triển bản thân trong tương lai.

Khi đã thu thập được những điểm mạnh, điểm yếu, có kế hoạch cho bản thân, bước cuối cùng bạn chỉ cần gắt gọt trau chuốt câu trả lời cho phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Hãy để ý đến kĩ thuật phân tích “Câu hỏi đằng sau câu hỏi”.

Khi người phỏng vấn hỏi về điểm mạnh và yếu của bạn, họ muốn biết:

– Ứng viên tìm hiểu kĩ về công việc chưa? Điểm yếu nào sẽ gây cản trở cho công việc? Điểm mạnh nào sẽ hỗ trợ tốt cho công việc?

– Có phải là người thành thật hay không? Có phải là người hiểu rõ bản thân hay không? 

– Bạn đã đang và sẽ làm gì để hoàn thiện bản thân?

– Bạn có phải là người dễ thay đổi điểm yếu hay không? Có dễ để training hay không?

– Điểm mạnh của bạn có gì KHÁC so với ứng viên khác?

*Lưu ý:

– Ứng viên nào cũng có điểm mạnh và sẽ tranh thủ kể nhiều về thành tích bản thân, cần đi vào chi tiết để làm bật lên cùng là điểm mạnh A nhưng mình có gì khác hơn so với A. Ví dụ, ai cũng có thể nói mình là người biết lắng nghe, nhưng không phải ai cũng có thể làm tới mức đi nhắn tin cho 5 đồng nghiệp để nghe feedback của từng người.

– Cần có sự liên hệ logic với công việc.

– Hãy tìm kiếm những điểm mạnh thông qua trải nghiệm liên quan đến (1) chuyên môn hoặc (2) giá trị, tính cách.

– Nếu bạn chém gió, chính bạn nhận ra bạn đang chém gió thì người đối diện cũng sẽ nhận ra.

– Sự chuẩn bị của ứng cử viên xuất sắc sẽ khác với ứng cử viên ổn ổn, càng chuẩn bị kĩ thì khả năng tự tin và chiến thắng càng cao.

Mình không thể chắc chắn rằng khi bạn trả lời tốt câu hỏi “Kể cho tôi 3 điểm mạnh và 3 điểm yếu của bạn” thì bạn sẽ đậu phỏng vấn, nhưng ai mà lại muốn bỏ qua một ứng cử viên có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, dám lắng nghe và dám thay đổi, phải không? Thuốc đắng dã tật, không bổ ngang thì cũng bổ dọc, mình nghĩ vậy.

Leave a Reply

The Castle
Unit 345
2500 Castle Dr
Manhattan, NY

T: +216 (0)40 3629 4753
E: [email protected]