Hôm qua tham dự talkshow “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của chú Đặng Hoàng Giang, có một vài khoảnh khắc mình đã nghĩ là mình toi rồi, mình không thể hoàn thành bài tường thuật được nổi mất. Vừa bắt đầu được 3 phút là mình đã ngồi khóc ướt nhẹp mặt bởi những câu chuyện trong cuốn sách đều phần nào dựng lại khung cảnh tuổi thơ của mình một cách rõ nét: bạo lực, đổ vỡ, ra tòa, chì chiết, kì vọng, áp lực,… Mình nghĩ là có lẽ mình sẽ chỉ ngồi im nghe thôi chứ không muốn ghi chép hay chụp thêm tấm ảnh nào nữa hết, nhưng cuối cùng mình vẫn làm được, Kim Anh giỏi quá.
“Người lớn lạ nhỉ, họ thương mình nhưng lại làm đau mình mà họ không biết” – trích từ sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ.
Quay lại buổi talkshow, mình ngồi nhớ về cách ba mình đã từng “huấn luyện” mình như thể huấn luyện một chú cún. Mình đã được yêu cầu rằng khi đi ra ngoài luôn luôn phải duy trì eye contact với ba để ông ấy chỉ cần nheo mắt một cái là mình phải biết đi vào góc ngồi, dừng mọi hoạt động của mình lại. Bất kể ở nơi đông người hay ít người, sự chú ý của mọi người luôn đổ dồn về mình mỗi khi mình làm gì sai bởi mọi người đều biết ba chắc chắn sẽ có hình thức xử lý mình thích đáng. Với ba mình, đó là một loại thành tựu, là niềm kiêu hãnh mà ba luôn khoe với mọi người, rằng mình “ngoan lắm, đố dám lệch ý”.
Mình nhớ về cách dì mình đang dạy con. Với dì, dì là một người mẹ tâm lý, con muốn gì thì luôn chiều đó. Dì lo rằng em gái lớn đang chuẩn bị thi vào lớp 10 của mình không đủ sức tự bảo vệ bản thân trước cuộc đời nên dì làm mọi cách để “bảo vệ” con, kể cả việc làm loạn trước trường học của con hay kiểm soát mọi mối quan hệ, mọi thời gian biểu của con, thậm chí là làm mất mặt con trước mặt bạn bè.
Mẹ mình thì dù nhẹ nhàng hơn, ôn hòa hơn hai ví dụ mình kể trên, nhưng mỗi lần em mình khóc thì mẹ mình sẽ thường “sao con hở tí là khóc vậy Thư”, “chán lắm thôi, chả ai đụng gì cũng khóc” và mẹ sẽ phì cười như thể đó là một trò mè nheo trẻ con. Mình cũng đã từng trải nghiệm cảm giác của em mình khi mình học lớp 4, lúc đó mẹ mới đẻ em và không dành nhiều sự quan tâm cho mình như trước. Có một lần mình đã khóc thét lên “sao mẹ lúc nào cũng em em hết vậy”, mẹ mình cũng đã phì cười y hệt. Có thể mẹ đã quên, nhưng mình thì nhớ mãi cảm giác bất lực và tủi hổ của mình khi đó.
Biết làm sao nhỉ, mình và đa phần những “đứa con” mà mình quen biết đều ít nhất vài lần cho đến vài chục năm chịu những tổn thương tinh thần như vậy. Chính ba mẹ cũng đã là “nạn nhân” được nuôi dạy bằng những cách nuôi dạy mang đầy rẫy hiểm nguy về mặt sức khỏe tinh thần từ ông bà. Ông bà thì lại chịu những nỗi đau tinh thần từ đói nghèo, chiến tranh, từ các thế hệ trước. Như chú Giang hôm qua có chia sẻ “Việt Nam đang đứng ở khúc gãy của hiện đại và truyền thống, của các tư tưởng nho Giáo và các tư tưởng nuôi dạy con kiểu mới”, mỗi người chúng ta đều khó khăn biết bao khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời, trong đó bao gồm cả cách giáo dục con cái.
Chúng ta đều thương nhau nhiều lắm, vì vậy đừng làm tổn thương nhau bằng tình thân
Ba mẹ ơi, ba mẹ đã mang con đến cuộc đời này như một-con-người-toàn-vẹn-và-độc-lập thì xin hãy nuôi nấng chúng con y hệt như vậy, đừng xem chúng con là những đứa trẻ không có suy nghĩ riêng, bởi chúng con cũng có những nghĩ suy và cảm xúc y hệt ba mẹ. Xin đừng nghĩ chúng con không hiểu sự đời, ba mẹ hãy thử cởi bỏ tâm thế người lớn và bước vào thế giới của chúng con, ba mẹ sẽ thấy chúng con cũng trưởng thành và biết nghĩ đến như thế nào, có thể nó không như ba mẹ kỳ vọng, nhưng nếu có sự tin tưởng và hỗ trợ của ba mẹ, tụi con sẽ nhất định sẽ phát triển thành những người lớn vô cùng hạnh phúc.
Ba mẹ sẽ thấy “quê độ” và tổn thương khi có ai đó thể hiện quyền lực với mình trước mặt mọi người, chúng con cũng vậy. Ba mẹ sẽ thấy bị bỏ rơi, bị xấu hổ khi khóc trước mặt người khác nhưng họ lại phì cười và cho rằng đó là thói trẻ con, chúng con cũng vậy. Ba mẹ sẽ phát điên khi người bạn đời của mình luôn muốn kiểm soát tin nhắn, thời gian, các mối quan hệ của mình, chúng con cũng vậy. Xin đừng giáo dục chúng con theo cách mà chính ba mẹ cũng không thể chịu được khi có người khác làm điều tương tự với mình.
Xin hãy hỏi chúng con “tại sao con lại khóc?”, tụi con khóc vì muốn được mẹ quan tâm và hỏi han. Xin hãy hỏi “tại sao con lại về trễ?”, con về trễ vì trông xe đạp điện cho bạn, dù bạn con yêu đương “nhăng nhít” nhưng bạn con là người tốt, bạn ấy đã giúp con nhiều trong lớp. Hãy hỏi con “vì sao con lại muốn chở bạn bằng xe đạp điện đi mua bánh tráng khi chưa rành đường?”, vì bánh tráng là món ăn yêu thích của tuổi teen mà ăn với bạn thì sẽ ngon hơn rất nhiều. Có thể với ba mẹ những điều đó là vô lý nhưng với tụi con những điều đó rất quan trọng, bởi tụi con là những cá thể tách biệt và có những sở thích riêng. Nếu ba mẹ hỏi, ba mẹ sẽ hiểu cách con suy nghĩ và cảm giác của con hơn nhiều lần đó ạ, từ đó sẽ đỡ cảm thấy tụi con chỉ toàn làm những điều tào lao và ngây ngô.
Mình may mắn hơn tất cả những người em của mình vì mình được giải thoát sớm (ba mẹ mình ly dị sau đó mình ở với mẹ), vì mình đang dần đi xa hơn con đường tự chữa lành bản thân, vì mình được tiếp xúc với nhiều kiến thức về giáo dục trẻ em hơn (và cũng vì mình lớn tuổi hơn), nên mình đang tự chọn lọc được những điều đúng để hấp thụ. Điều đó cũng đồng nghĩa mình thấy bất lực lắm khi không thể giải thích cho người lớn rằng khi họ làm như vậy, con của họ sẽ tổn thương, và dĩ nhiên con của họ cũng không thể nói rằng “ba mẹ ơi, tụi con tổn thương”.
Nhưng mình có đang cố gắng thay đổi họ không? Mình không và cũng không thể. Mình chỉ có thể tạo ảnh hưởng lên họ từng bước chậm rãi, khập khễnh, tập tễnh bằng cách sống tốt cuộc đời của mình. Hôm qua đi buổi talkshow nghe chú Giang chia sẻ mình mới biết “à thì ra bấy lâu nay mình đang làm như vầy với mẹ nên mẹ con mình mới cùng nhau tốt hơn được như vậy”. Nhưng những người em mình không thể làm điều tương tự như mình thì sao, cuộc đời của các em ấy sau này sẽ thế nào?
“Neglect (bỏ rơi, sao nhãng, lơ là) được các nhà tâm lý học coi là một dạng của ngược đãi tinh thần. Rất khó để người ngoài phát hiện ra – nó không để lại những vết tím bầm trên thân thể, đứa trẻ vẫn được đi học, được ăn uống – nhưng tác động tâm lý của nó vô cùng to lớn và thường để lại những hậu quả lâu dài. Mỗi người khi sinh ra đều có nhu cầu tình cảm nhận được những phản hồi tích cực từ những cá nhân quan trọng nhất đối với mình, cụ thể là từ cha mẹ. Khi bé, nhu cầu này bao gồm mong muốn được bảo vệ, che chở, chăm chút. Lớn lên, nó được mở rộng, thêm cả mong muốn được dõi theo, dìu dắt, an ủi, tôn trọng, lắng nghe, công nhận, được trao cho không gian để nảy nở bản thể của mình. Nếu như sự thiếu dinh dưỡng triền miên dẫn tới những thiếu hụt trong phát triển thể chất, thì khi những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, đứa trẻ lớn lên với những vấn đề tâm lý.
Bị đeo đuổi thường trực bởi cảm giác chông chênh, bất an và thiếu thốn, đứa trẻ có thể phản ứng theo hai hướng. Nó có thể trở thành một người thiếu khả năng đứng độc lập, luôn đeo bám, cảnh giác, lo lắng, thường xuyên cần được nghe người khác cam kết là sẽ không bỏ rơi mà vẫn không tin tưởng họ. Người ở dạng này tạo áp lực lớn cho những người thân xung quanh (bạn đời, con cái), khiến họ cảm thấy ngạt thở.
Hoặc đứa trẻ chôn vùi mong muốn được gần gũi và yêu thương, dựng lên một hàng rào phòng thủ để bảo vệ mình trước nỗi đau đến từ thất vọng do các nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, và trở thành người thiếu cởi mở trong cảm xúc. Lớn lên, bản thân chúng có nguy cơ trở thành những bạn đời và cha mẹ lạnh lẽo, khó gần người khác và khó để người khác lại gần.” (Trích “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”)
Và phía trên mới chỉ là số ít hậu quả từ số ít hành động gây tổn thương mà đứa trẻ có thể gánh chịu thôi, trên thực tế sẽ còn muôn hình vạn trạng loại hậu quả khác nữa.
Những gì chúng con nhớ
Hôm qua tụi mình được nghe chú Giang kể về câu chuyện một anh bạn 20 tuổi bảo rằng kỉ niệm mà anh ấy nhớ nhất về ba đó là khoảnh khắc hai ba con nô đùa cù nhột nhau. Không phải là một buổi đi ăn. Chẳng phải là một món quà có thể đong đếm bằng tiền hay vật chất. Chỉ đơn giản là khoảnh khắc hai cha con cảm nhận rõ nhất sự tồn tại của nhau và dành cho nhau tình yêu thương thuần khiết nhất. Không có điều kiện rằng con phải điểm cao thì ba mẹ mới thương. Không có điều kiện rằng phải làm việc nhà thì mới được thưởng.
Còn mình, mình nhớ mãi một lần mình học lớp 4, lúc ấy mẹ đang mang thai em mình những tháng cận sinh, vậy mà mẹ lặn lội đi xe giữa trời mưa ngập lụt cả đường để mua sò huyết về xào cho mình ăn. Mẹ nói “lỡ hứa với con rồi, không mua con buồn thì sao”.
Ba mẹ ơi, hãy hỏi xem con nhớ khoảnh khắc nào nhất của gia đình mình, chắc chắn ba mẹ sẽ nhận được những câu trả lời bất ngờ đó ạ. Khi đó ba mẹ chắc chắn sẽ cởi bỏ được ít nhiều những áp lực vô hình không cần thiết và vỡ lẽ được đôi điều.
Thương lấy thân mình
Vào những phút cuối cùng của buổi talkshow ngày hôm qua, mình thật sự đã gào lên trong lòng lời cảm ơn và lời yêu thương tới chính bản thân mình. Ôi cô gái nhỏ của lòng mình, mình thực sự đã đi được một quãng rất xa so với xuất phát điểm của bản thân. Có một lần nào đó Châu Anh – cô gái Hà Tĩnh đã nói với mình rằng tên Kim Anh là tên của một loài hoa nhỏ tượng trưng cho sự cá tính nhưng lại dung dị, mạnh mẽ và tỏa hương tỏa sắc theo cách riêng. Nếu số phận là có thật và tên Kim Anh đã được định sẽ là cái tên nói lên mình trọn vẹn nhất, vậy hiện tại mình thích sự sắp đặt này của số phận. Mình muốn được làm con của mẹ, được gặp tất cả những người mà mình đã gặp qua. Mình yêu tên mình và yêu cả chính mình nữa. Vì chỉ có mình mới là người duy nhất biết rõ mình đã trải qua những gì, mình muốn gì, và ở bên cạnh mình đến tận cùng của cuộc đời. Bạn cũng vậy, bạn mới là người đồng hành với bản thân đến hết cuộc đời.
Lời kết
Sau cùng, tất cả chúng ta, dù là con hay là cha mẹ đều cũng đang làm những gì mà chúng ta cho là tốt nhất. Nhưng đôi khi hãy dừng lại và tự hỏi, tốt cho mình nhưng có tốt cho người hay không? Chúng ta, một lần nữa, đều cùng chịu những tổn thương bằng cách này hay cách khác. Nhưng đôi khi hãy dừng lại và tự hỏi, mình chọn truyền thừa nỗi đau này hay sẽ kết thúc nó ở đây?
Còn mình, mình chọn làm người kết thúc những nỗi đau.
Kim Anh 19 tuổi, yêu đời và yêu người.